Bấm vào hình để xem kích thước thật

Chân vòng kiềng có cần tập vật lí trị liệu?

Ngày đăng:  19/10/2010

 
Lượt xem: 21658

Câu hỏi:

Con tôi được 15 tháng, tôi thấy 2 chân bé bị vòng kiềng nên đưa đi khám. Bác sĩ cũng nói là chân vòng kiềng và cho đi tập vật lí trị liệu. Tôi không biết là tập như vậy thì bé có hết hẳn không? Ngoài tập ra thì còn có phương pháp bó bột hay phẫu thuật gì giúp bé nhanh chóng hết vòng kiềng không? Xin cám ơn


Trả lời:

Chị Hà thân mến,
Chân vòng kiềng hay chân chữ O là tình trạng gối vẹo trong làm trẻ khi đứng hai gối không sát được vào nhau. Chân vòng kiềng hay gối vẹo trong thường bị cả hai gối và cả xương đùi lẫn xương chày đều cong. Trẻ bình thường sinh ra thì 2 chân bé đã ở tư thế cong do tư thế bào thai. Sau đó, chân của trẻ sẽ tự điều chỉnh dần dần để trở về hơi vẹo ngoài lúc trẻ được khỏang 18 thàng. Khi trẻ đến 3-4 tuổi thì một số trẻ xương chân có thể điều chỉnh quá mức tạo thành chân chữ X. Chân chữ X của trẻ sẽ được điều chỉnh dần về trục cơ học bình thường đi từ tâm chỏm xương đùi qua gối đến cổ chân khi trẻ đến 5-6 tuổi.  

Dựa vào quá trình phát triển trên nên chân vòng kiềng nói chung không cần điều trị gì đặc hiệu nhưng cần theo dõi bé đến 5-6 tuổi. Vấn đề điều trị chỉ đặc ra trong trường hợp chân vòng kiềng do các nguyên nhân khác. Nguyên nhân chân vòng kiềng hay gối vẹo vào trong ở trẻ em có thể là do tình trạng nhuyễn xương (do thiếu vitamin D, suy dinh dưỡng, bệnh lý xương...). Những nguyên nhân khác có thể có nữa bao gồm u, nhiễm trùng xương, chấn thương xương, đặc biệt là vùng sụn tiếp hợp khiến sự phát triển không đều nhau ở cùng trên một gối khiến gối có thể vẹo.

 Nói chung vấn đề điều trị không cần đặt ra ở trẻ em cho đến khi các bé được trên 3-4 tuổi, nghĩa là trẻ đã chạy nhảy được nhiều mà không thấy có dấu hiệu cải thiện, chỉnh sửa trục của bộ xương. Trường hợp gối vẹo trong chỉ một gối (chân còn lại bình thường) nên điều trị. Việc điều trị tùy thuộc nguyên nhân là gì để từ đó có phương thức điều trị tận gốc. Đối với những trẻ lớn và không có hay có nguyên nhân nhưng không thể điều trị tận gốc (chẳng hạn do sụn tiếp hợp bị hư không phát triển), có thể xem xét đến việc đục xương sửa trục, đặc biệt ở người lớn và có dấu hiệu đau khe khớp gối bên trong.

Việc bác sĩ cho bé đi tập vật lí trị liệu nhằm giải tỏa áp lực tâm lí của cha mẹ muốn con mình phải được điều trị hơn là có tác dụng trị liệu làm hết chân vòng kiềng.  Tuy nhiên việc tập này cũng có mặt tích cực là cha mẹ sẽ theo dõi được diễn tiến của trẻ và phát hiện các bất thường trong quá trình theo dõi để thông báo với bác sĩ có biện pháp điều trị thích hợp.

Trả lời bởi: Bs Trương Anh Mậu, khoa ngoại CTCH

[Trở về]

Các tin khác