Bấm vào hình để xem kích thước thật

Đã hơn 3 tuổi nhưng bé không thể nói và nhai thức ăn?

Ngày đăng:  14/12/2010

 
Lượt xem: 10810

Câu hỏi:

Kính chào các bác sĩ BV Nhi Đồng 2, chào bác sĩ Thảo PGĐ BV Nhi Đồng 2, bác sĩ Khánh Vân trưởng khoa Thần kinh BV NĐ2.Vì biết các bác sĩ rất bận mà trường hợp của con tôi thì không thể một sớm một chiều mà giải quyết được nên tôi xin mạn phép gửi câu hỏi  mong được sự tư vấn của các bác sĩ để có định hướng chữa trị cho con trai.Bé sinh tháng 3/2007, do thiểu ối nên phải mổ cấp cứu lúc bé được 33 tuần, lúc sinh bé nặng 1kg6. Bé đã là bệnh nhân của BV NĐ2 từ lúc 7 tháng tuổi vì bé bị yếu thần kinh vận động, lõm lồng ngực, khiếm thính ..... Nhưng cùng với sự giúp đỡ của các bác sĩ, kể cả chuyên gia của Ai-len ngày hôm nay bé tuy gầy (cao 1m, nặng 13kg) chưa biết nhai nhưng nhìn chung bé lanh lợi hoạt bát, duy có 1 điều là qua rất nhiều lần kiểm tra, đo tai tại khoa thính học bệnh viện Tai mũi họng Tp thì xác nhận bé điếc độ 3 phải đeo máy trợ thính. Bé đeo máy từ lúc 22 tháng tuổi và theo học lớp can thiệp sớm tại 108 Lý chính Thắng. Đến nay bé được 44 tháng rồi mà không nói được 1 chữ nào hết, đo tai thì xác nhận bé nghe rõ ở >60 decibel. Hiện tôi rất bối rối không biết đối với bé mình đã làm hết cách chưa, bé còn cần phải kiểm tra gì nữa không để biết chính xác bé bị gì? Việc bé không biết nhai có liên quan gì đến việc bé không biết nói không. Bệnh viện Nhi Đồng 2 có khoa nào hoặc chương trình nào dành cho bệnh như bé không? Nếu được xin các bác sĩ cho một lời khuyên hoặc một cái hẹn khám bệnh để tôi có hướng tiếp tục chữa trị cho con. Xin chân thành cảm ơn.Minh Thủy

Trả lời:

Bạn Minh Thủy thân mến!

 Hệ thống thần kinh trung ương của người gồm não và tủy sống. Não bộ gồm nhiều tổ chức có cấu trúc và chức năng khác nhau trong đó vỏ đại não là vùng có cấu trúc và chức năng phức tạp nhất. Chỉ với bề dày khoảng 2-5mm và diện tích 0,25cm2 vỏ não có khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh. Các tế bào thần kinh này được phân thành những vùng chức năng khác nhau gồm: vùng vận động, vùng cảm giác, vùng giác quan, vùng liên hợp, và các vùng chức năng khác. Sự hình thành ngôn ngữ do phối hợp nhiều vùng chức năng từ vùng hiểu ngôn ngữ (vùng Wercick) đến vùng phát âm (vùng Broca), có liên quan đến vùng thính giác (xác định khả năng tiếp nhận âm thanh) và vùng đọc. Để hình thành tiếng nói của con người ngoài việc phải có một cấu trúc hoàn chỉnh còn phải qua quá trình hình thành và tác động của 2 hệ thống tín hiệu, trong đó hệ thống tín hiệu thứ 2 gồm tiếng nói và chữ viết là quan trọng nhất.

 Đối với con bạn, cháu được sanh non, nhẹ cân và có lẽ đã có bất thường từ trong lúc hình thành và phát triển bào thai (hiện tượng thiểu ối và cân nặng thấp lúc 33 tuần tuổi là một yếu tố gợi ý), và sau sanh có rất nhiều chức năng thần kinh của cháu bị ảnh hưởng trong đó có chức năng nghe, vận động và chức năng nhai. Điều đó có nghĩa là vùng chức năng ngôn ngữ của cháu bị ảnh hưởng và giải thích cho sự không nói được của cháu. Bạn đã làm rất đúng khi cho cháu đi học lớp can thiệp sớm, vấn đề là sự cải thiện và phục hồi còn tùy thuộc tổn thương cấu trúc mà cháu mắc phải. Điều cần làm bây giờ là kiên trì tập luyện, bạn có thể đưa cháu đên Khoa tâm lý bệnh viện Nhi đồng 2 để được hướng dẫn và tham gia các lớp học tại đây. Với sự quan tâm và tấm lòng của chị, chúng tôi hy vọng các chức năng thần kinh của cháu sẽ cải thiện.

Chúc bạn nhiều nghị lực.

 

Trả lời bởi: BS.CK2.Lê Thị Khánh Vân - TK. Nội Thần Kinh

[Trở về]

Các tin khác