MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ BỆNH SUYỄN
Ngày đăng: 08/08/2009
Lượt xem: 14544
Bệnh suyễn là 1 bệnh hô hấp, xảy ra khi đường thở bị viêm mãn tính, khiến cho đường thở bị chít hẹp lại từng đợt. Mỗi đợt đường thở bị chít hẹp có thể kéo dài vài phút, vài giờ hay nhiều ngày tùy theo mức độ viêm của đường hô hấp. Đường thở bị chít hẹp do 2 cơ chế: một là đường thở khi bị viêm sẽ có hiện tượng tăng tiết nhầy làm bít đường thở, hai là cơ bao quanh đường thở trở nên dễ bị kích thích gây co thắt cũng làm giảm độ rộng đường thở. Khi đường thở bị chít hẹp do cơ chế trên: bệnh nhân lên cơn suyễn.
Sau đây là một số hình ảnh minh họa cho hiện tượng chít hẹp đường thở khi bệnh nhân lên cơn suyễn:
Triệu chứng cơn suyễn gồm: ho (do đường thở bị kích thích), khó thở, bú kém, nói chuyện đứt quãng (ở trẻ nhỏ quấy khóc, bứt rứt, tiếng khóc đứt quãng), khò khè, thở co lõm ngực. Nếu nặng hơn, bệnh nhân sẽ kích động, vật vã, tím tái.
Ở bệnh nhân suyễn, không phải lúc nào bệnh nhân cũng lên cơn suyễn. Cơn suyễn chỉ xảy ra mỗi khi đường thở bị kích thích bởi các dị nguyên trong môi trường sống, hay sau khi ăn phải thức ăn gây dị ứng, hay khi bệnh nhân mắc phải bệnh hô hấp khác (do vi trùng hay siêu vi, …). Vậy, bệnh suyễn không lây, nhưng bệnh nhân có thể bị lây bệnh hô hấp do vi trùng hay siêu vi khi tiếp xúc thân cận hay ở chung nhà với người bệnh, và bệnh đường hô hấp do vi trùng hay siêu vi cũng chính là yếu tố khởi phát cơn suyễn nếu bệnh nhân đã sẵn có bệnh suyễn.
Bệnh suyễn là 1 bệnh dị ứng nên mang tính chất gia đình. Khi hỏi bệnh sử một bệnh nhân suyễn thật chi tiết, có thể gợi cho bệnh nhân hoặc thân nhân nhớ lại một vài người thân trong gia đình, họ hàng có bệnh suyễn hay bệnh dị ứng khác (như viêm mũi, viêm xoang, viêm kết mạc, viêm tai, nổi mề đay, dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, dị ứng thời tiết, …). Nghiên cứu về mặt di truyền học cho thấy những người bệnh suyễn hay bệnh dị ứng khác mang một số gen di truyền tương tự, nhưng cho đến bây giờ những nhà di truyền học chỉ đi đến kết luận chỉ có sự di truyền cho thế hệ sau khả năng dễ bị bệnh dị ứng chứ không phải cha mẹ hay ông bà bị bệnh suyễn con cháu cũng sẽ bệnh suyễn. Đôi khi ông bà, cha mẹ bệnh suyễn, con cháu lại có bệnh dị ứng khác như viêm mũi, viêm xoang, mề đay, … hay ông bà, cha mẹ viêm mũi, viêm xoang, … con cháu lại bệnh suyễn.Trừ trường hợp suyễn ở trẻ rất nhỏ, bệnh suyễn có thể xảy ra sau 1 – 2 – 3 đợt nhiễm siêu vi ở đường hô hấp nhỏ (như viêm tiểu phế quản), đôi khi không có yếu tố gia đình.
Câu hỏi 2: Khi nào bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh suyễn? Dựa trên những yếu tố nào, bác sĩ sẽ chẩn đoán là bệnh nhân bị bệnh suyễn?
Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh suyễn khi:
Bệnh nhân bị ho, khò khè, khó thở dai dẳng hoặc tái đi tái lại nhiều lần. Nhất là triệu chứng hay xuất hiện vào ban đêm hoặc sáng sớm, tăng lên khi thay đổi thời tiết. Triệu chứng thường không kèm sốt, nhưng đôi khi có sốt nếu yếu tố khởi phát cơn suyễn là nhiễm khuẩn hô hấp.
Để chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh suyễn, bác sĩ cần thăm khám bệnh nhân:
Nhìn: lồng ngực căng phồng, thở co kéo các cơ liên sườn, các cơ trên và dưới xương ức. Đặc biệt là bệnh nhân khó thở ra (thì thở ra kéo dài). Trường hợp khó thở nặng, bệnh nhân tím tái, vã mồ hôi, bứt rứt, la hét hay mê sảng.
Nghe phổi: có ran rít, ngáy, ẩm; đôi khi phổi câm nếu lên cơn suyễn nặng.
Sau khi điều trị suyễn, bệnh nhân hết triệu chứng.
Trước khi khẳng định bệnh nhân bị bệnh suyễn, bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt với những bệnh khác có triệu chứng tương tự bệnh suyễn như dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ lớn, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, trào ngược dạ dày thực quản, khí phế quản mềm bẩm sinh, bất thường mạch máu phổi bẩm sinh, dị dạng phổi bẩm sinh, … ở trẻ nhỏ.
Câu hỏi 3: Bệnh suyễn có nguy hiểm không? Có trị khỏi được không? Bệnh nhân cần kiêng cữ những gì? Bệnh nhân suyễn có thể sinh hoạt, nghỉ ngơi trong phòng gắn máy lạnh không? Bệnh nhân suyễn nên dùng hay tránh dùng những thức ăn nào?
Bệnh nhân suyễn khi không có cơn suyễn thì khỏe mạnh bình thường, khi lên cơn suyễn, bệnh nhân mới có triệu chứng (như vậy không thể nói là “trị khỏi bệnh suyễn” mà chỉ có thể nói bệnh suyễn đang trong giai đoạn ổn định). Cơn suyễn có nhiều mức độ: nhẹ, vừa, nặng và rất nặng đe dọa sinh mạng. Bệnh nhân đang lên cơn suyễn nhẹ có thể chuyển độ đột ngột thành cơn suyễn nặng hay rất nặng đe dọa sinh mạng nếu không được điều trị đúng cách (bệnh nhân suyễn có thể gặp nguy hiểm nếu không điều trị đúng). Vì vậy, bệnh nhân suyễn cần được thăm khám và theo dõi đúng theo hẹn của bác sĩ. Nếu cơn suyễn xảy ra thường xuyên, bệnh nhân cần được điều trị dự phòng mỗi ngày bằng thuốc dạng hít theo chỉ định của bác sĩ.
Mỗi bệnh nhân suyễn đều có một số yếu tố khởi phát cơn suyễn riêng, cha mẹ cần phát hiện các yếu tố khởi phát cơn suyễn ở bé để có biện pháp phòng tránh. Sau đây là những yếu tố khởi phát cơn suyễn thường gặp:
Phải thận trọng khi cho bệnh nhân nằm phòng máy lạnh vì không khí lạnh có thể là yếu tố khởi phát cơn suyễn. Ngược lại, thời tiết nóng cũng thuận lợi cho cơn suyễn dễ tái phát, nên tham vấn bác sĩ nếu bệnh nhân lên cơn suyễn khi trời nóng.
Một số thức ăn như hải sản (tôm, cua, mực, cá, nghêu, sò, ốc, hến, …), thức ăn lên men (mắm, chao, …), đồ uống lạnh (nước đá, kem, …), các loại thịt có proteine không đồng nhất với proteine của cơ thể con người (bò, trâu, gà, vịt, gia cầm, ếch, …) ăn vào có thể lên cơn suyễn ở bệnh nhân suyễn nhậy cảm với những thức ăn này. Vì thế, cần tìm hiểu thức ăn nào làm khởi phát cơn suyễn ở mỗi bệnh nhân suyễn để phòng tránh, nhưng không bắt buộc phải kiêng cữ hoàn toàn tất cả những thức ăn này. Hơn nữa, trong số các loại thịt có màu đỏ, proteine trong thịt heo khá đồng nhất với proteine của người nên hầu như không gây dị ứng hay khởi phát cơn suyễn ở bệnh nhân suyễn, có thể sử dụng. Nên tham vấn thêm bác sĩ để có biện pháp thích hợp.
Đăng bởi: BS TRẦN THU VÂN - KHOA DỊCH VỤ HÔ HẤP
Các tin khác
Hướng dẫn sử dụng bình xịt định liều có buồng đệm đến phụ huynh trẻ dưới 5 tuổi mắc hen phế quản 24/11/2024
Ho ở trẻ là phản xạ có lợi 18/09/2023
Tác Hại Của Thuốc Lá Điện Tử 30/05/2023
Cảnh giác dị vật đường thở 24/02/2021
Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Viêm Đường Hô Hấp Trên 22/10/2020
5 cách để quản lý suyễn 25/09/2018