U máu trẻ em: Propranolol có hiệu quả hơn Corticosteroid?
Ngày đăng: 05/11/2012
Lượt xem: 26352
Theo một cuộc đánh giá có hệ thống và phân tích gộp được trình bày ở Hội nghị thường niên năm 2012 của Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật tạo hình Mỹ, propranolol có thể có hiệu quả hơn corticosteroid để điều trị bệnh u máu ở da trẻ em.
Tiến sĩ Ali Izadpanah, MD, từ đại học McGill ở Montreal, Quebec, Canada, đã báo cáo “Propranolol hiệu quả hơn steroid cả khi sử dụng tại chỗ và toàn thân”. Tác giả còn nói, corticosteroid có tác dụng phụ cao gấp đôi so với propranolol.
U máu trẻ em là khối u mạch máu lành tính phổ biến nhất của trẻ sơ sinh, xảy ra 1- 2,5% ở trẻ da trắng, đặc biệt là bé gái. Một số vài trường hợp được chỉ định can thiệp sớm được như: cản trở tầm nhìn, cản trở hô hấp, suy tim xung huyết, xuất huyết nghiêm trọng, và biến dạng cơ thể nghiêm trọng.
Corticosteroid được xem như trị liệu hàng đầu, nhưng gần đây, thuốc chẹn beta propranolol chứng tỏ có hiệu quả hơn. Tác giả giải thích propranolol có 3 cơ chế tác động khác nhau: co mạch ở giai đoạn sớm, ức chế tăng sinh mạch máu ở giai đoạn giữa, và cảm ứng tế bào chết theo chương trình ở giai đoạn trễ.
Có nhiều điểm khác nhau giữa propranolol và corticosteroid, thuốc mà tác dụng chủ yếu chỉ là kháng viêm. Việc phối hợp 2 loại thuốc này, hiện đang được nghiên cứu, có thể sẽ trở thành phương pháp trị liệu tối ưu.
Phân tích gộp đã thực hiện
Để đánh giá hiệu quả của corticosteroid và propranolol, tiến sĩ Izadpanah và cộng sự đã tiến hành một cuộc xem xét hệ thống lại các bản báo cáo được xuất bản từ năm 1946 đến tháng ba năm 2012. Các phản ứng có hại, thời gian điều trị, và tỷ lệ thành công đã được báo cáo trong các nghiên cứu tiền cứu, hồi cứu, và các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát này đều được xem xét. Các nghiên cứu không báo cáo kết quả hoặc ít hơn 10 ca không được đưa vào cuộc đánh giá này.
Trong 1162 nghiên cứu được chọn, có 16 nghiên cứu đánh giá về corticosteroid (n = 2629), 25 nghiên cứu đánh giá về propranolol (n = 795), và 3 nghiên cứu đánh giá cả hai. Phần lớn (74%) là hồi cứu, 3 nghiên cứu (8%) là nghiên cứu ngẫu nhiên có kiểm soát.
Liều dùng thông dụng nhất của corticosteroid là 2-3 mg/kg/ngày, và thời gian trị liệu điển hình là 4-12 tuần. Tỷ lệ hiệu quả tổng thể so với nhóm chứng là 69,1% (P< .0001).
Liều dùng thông dụng của propranolol là 1mg/kg/ngày, và thời gian trị liệu điển hình từ 4 tuần đến 12 tháng. Tỷ lệ hiệu quả tổng thể, so với nhóm chứng là 97,3% (P<.0001).
Phản ứng có hại của thuốc
Phản ứng có hại phổ biến nhất của corticosteroid, được quan sát ở 475 bệnh nhân (17,6%), là thay đổi tốc độ tăng trưởng (6%), mặt tròn như mặt trăng (5%), loãng xương (2%), nhiễm nấm (2%), và cao huyết áp (2%).
Phản ứng có hại phổ biến nhất của propranolol, được quan sát ở 77 bệnh nhân (9.6%) là ngủ lơ mơ (2%), lạnh chi (2%), tiêu chảy (2%), trào ngược dạ dày thực quản (2%), và mệt mỏi (1%).
Tác giả kết luận propranolol tốt hơn khi trị liệu hàng đầu cho bệnh nhân u máu ở da.
Ông thừa nhận nghiên cứu có những hạn chế và không đủ mạnh. Kết quả này dựa trên các nghiên cứu hồi cứu, có thể có việc hồi tưởng và sai lệch, nghiên cứu được cung cấp các chi tiết bị hạn chế về độ phân giải và bệnh nhân có thể đã sử dụng thêm các liệu pháp bổ sung.
Một số bác sĩ phẫu thuật vẫn chưa được thuyết phục
Tác giả nói việc tiếp nhận propranolol tăng lên trong năm kể từ khi cuộc nghiên cứu bắt đầu, nhưng một số bác sĩ phẫu thuật vẫn tiếp tục thận trọng về nó vì mối lo ngại về các phản ứng có hại ngay lập tức. Có thể xảy ra hạ huyết áp, nhịp tim chậm và cần theo dõi, nhưng không đe doạ tính mạng. Điều này khác với corticosteroid, thuốc có nhiều phản ứng có hại về lâu dài hơn. Tác giả đề nghị bệnh nhân phải trải qua sàng lọc tiền xử lý cẩn thận với các vấn đề tim mạch trước khi kê toa propranolol.
Nhìn chung, hiệu lực và hiệu quả kinh tế của propranolol lớn hơn… nhưng điều này cần được chứng minh bằng các nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng, và điều đó hiện nay đang được tiến hành.
Chủ tịch hội nghị Anand R. Kumar, MD, giám đốc chương trình phẫu thuật xương mặt ở Bệnh viện Nhi Pittsburgh ở Pennsylvania, bình luận về kết quả. Corticosteroid đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị u máu trẻ em, nhưng trong nước, ngày càng có nhiều các trung tâm tim mạch sử dụng propranolol, bao gồm cả chúng ta. Rõ ràng đang có sự thay đổi trong cách điều trị căn bệnh phức tạp này, câu hỏi được đặt ra là vai trò của propranolol là gì và vị trí của nó so với corticosteroid.
Tiến sĩ Kumar nhấn mạnh kết luận không thể dựa trên các nghiên cứu hồi cứu, nhưng nghiên cứu này đặt ra giai đoạn cho nhiều nghiên cứu so sánh phối hợp khác và sẽ đánh giá được điều này. Các nghiên cứu sắp tới cần xác định tốt hơn về phương pháp đánh giá và hiệu quả.
Tiến sĩ Izadpanah chỉ ra rằng các nghiên cứu mới sẽ cố gắng thực hiện điều đó, ví dụ như sử dụng siêu âm Doppler để theo dõi hồi quy bệnh, và sẽ đo lường được kết quả vượt ngoài đánh giá lâm sàng.
Đăng bởi: Ds. Quang Ánh Nguyệt
Các tin khác
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 5 / 2013 21/08/2013
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 6 / 2013 21/08/2013