Chọc dò ổ bụng giải áp dựa trên áp lực bàng quang trong xử trí tăng áp lực ổ bụng trên bệnh nhi sốc Sốt Xuất Huyết Dengue
Ngày đăng: 24/10/2013
Lượt xem: 13998
Tóm tắt
Phạm Văn Quang*, Đoàn Thị Ngọc Diệp**, Vũ Huy Trụ**
Mục tiêu: Sốt xuất huyết Dengue nặng có tăng áp lực ổ bụng gây suy hô hấp và nhiều biến chứng, nguy cơ tử vong cao. Mục tiêu nghiên cứu nhằm khảo sát hiệu quả của chọc dò ổ bụng giải áp dựa trên áp lực bàng quang trong xử trí tăng áp lực ổ bụng trên bệnh nhi sốc SXH Dengue.
Đối tượng phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiền cứu, mô tả và phân tích tại khoa Hồi sức, bệnh viện Nhi Đồng 1 trên 99 bệnh nhi sốc sốt xuất huyết Dengue có tăng áp lực ổ bụng được chọc dò ổ bụng giải áp. Các yếu tố khảo sát hiệu quả của chọc dò ổ bụng giải áp được ghi nhận: tri giác, mạch, huyết áp, nhịp thở, SpO2, khí máu động mạch, vòng bụng, chức năng thận, lactate, áp lực bàng quang, áp lực tưới máu ổ bụng trước và sau dẫn lưu, lượng dịch dẫn lưu và các biến chứng.
Kết quả: Trong nghiên cứu của chúng tôi, đa số là trẻ nhỏ với tuổi trung bình 5,9 tuổi, bị sốt xuất huyết độ III-IV nặng với tổng lượng dịch truyền nhiều (trung bình 229ml/kg/32giờ). Trước khi chọc dò ổ bụng giải áp, các bệnh nhi đều trong tình trạng suy hô hấp nặng do tràn dịch màng bụng lượng nhiều kết hợp với tràn dịch màng phổi (23% được thở máy, 77% được thở NCPAP); 57,6% có tái sốc và 96% có đông máu nội mạch lan tỏa. Hầu hết các bệnh nhi có tăng áp lực ổ bụng nặng độ III và IV (99%), được chọc dò ổ bụng giải áp ở ngày 5-6 của bệnh. Chúng tôi nhận thấy chọc dò ổ bụng giải áp cải thiện rõ rệt tình trạng huyết động học: giảm tần số mạch, tăng áp lực tưới máu ổ bụng (p < 0,0001), giảm lactate máu (p < 0,05); cải thiện chức năng hô hấp: tăng SpO2, giảm tần số thở trên các bệnh nhi thở NCPAP, giảm áp lực đỉnh hít vào đối với bệnh nhi thở máy (p<0,0001); cải thiện chức năng thận: giảm urê máu, créatinin máu (p < 0,0001), cải thiện toan máu: tăng pH máu, tăng HCO3- (p < 0,05); và giảm chu vi vòng bụng (p < 0,0001). Sau khi chọc dò ổ bụng giải áp, trị số áp lực bàng quang giảm đáng kể, trung bình 19,8 cm H2O (so với trước chọc dò là 36,6 cmH2O; p < 0,0001); mức độ nặng của tăng áp lực ổ bụng giảm, chỉ còn 9% tăng áp lực ổ bụng độ III (so với trước khi chọc dò, 99% tăng áp lực ổ bụng nặng độ III và IV; p < 0,0001). Lượng dịch ổ bụng dẫn lưu khá nhiều, trung bình 50 ml/kg. Đối với nhóm bệnh nhi thở NCPAP, tỉ lệ phải đặt nội khí quản giúp thở trong vòng 6 giờ sau khi chọc ổ bụng giải áp chỉ là 13,2%; có đến hơn 70% bệnh nhi không cần đặt nội khí quản giúp thở.
Kết luận: Chọc dò ổ bụng giải áp dựa trên áp lực bàng quang có hiệu quả trong xử trí tăng áp lực ổ bụng trên bệnh nhi sốc sốt xuất huyết Dengue, góp phần cải thiện tình trạng hô hấp, huyết động học, chức năng thận, toan máu và mức độ nặng của tăng áp lực ổ bụng.
Từ khóa: Chọc dò ổ bụng giải áp, áp lực bàng quang, tăng ALOB, sốc sốt xuất huyết Dengue.
Abstract
PERCUTANOUS CATHETER ABDOMINAL DECOMPRESSION BASED ON INTRAVESICAL PRESSURE IN MANAGEMENT OF INTRA-ABDOMINAL HYPERTENSION IN CHILDREN WITH DENGUE SHOCK SYNDROME
Pham Van Quang, Doan Thi Ngoc Diep, Vu Huy Tru
* Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Vol. 15 - Supplement of No 4 - 2011: 35 – 44
Objectives: Severe hemorrhagic fever with intra-abdominal hypertension (IAH) cause respiratory failure and many complications, fatal risk is high. Objective of our study is to evaluate effect of percutanous catheter abdominal decompression based on intravesical pressure in management of intra-abdominal hypertension in children with Dengue Shock Syndrome (DSS).
Methods: Prospective study in PICU, Children’s Hospital 1, in 99 DSS children with IAH and percutanous catheter abdominal decompression. Factors for assessing effect of abdominal decompression were noted: conscience, pulse, blood pressure, respiratory rate, SpO2, blood gas, abdominal perimeter, renal function, lactate, intra-vesical pressure, abdominal perfusion pressure before and after abdominal decompression, drainage quantity, and complications.
Results: In our study, most were small children with mean age of 5.9 years; DSS of grade III-IV with large fluid infusion (mean of 229ml/kg/32hours). Before abdominal decompression, all patients were in severe respiratory distress caused by large ascite and pleural effusion (23% cases with mechanical ventilation and 77% cases with NCPAP); 57.6% cases had recurrent shock and 96% cases had DIC. Almost were IAH of grade III-IV (99%), abdominal decompression performed at 5-6th day of illness. We noted abdominal decompression improved hemodynamic status: pulse decreased, abdominal perfusion pressure increased (p < 0.0001), lactatemia decreased (p < 0.05); improved respiratory function: SpO2 increased (p < 0.0001), respiratory rate decreased in NCPAP group (p < 0.0001), inspiratory peak pressure decreased in mechanical ventilation group (p < 0.0001); improved renal function: uremia, cretininemia decreased (p < 0.0001); improved acidosis status: pH, HCO3- increased (p < 0.05); and abdominal perimeter decreased (p < 0.0001). After abdominal decompression, intra-vesical pressure decreased considerably, mean of 19.8 cm H2O (vs 36.6 cmH2O before decompression; p < 0.0001); severity of IAH decreased, only 9% cases with IAH of grade III (vs 99% cases with IAH of grade III-IV before decompression, p<0.0001). Drainage quantity was large, mean of 50 ml/kg. For NCPAP group, rate of patients who required mechanical ventilation within 6 hours after decompression was 13.2%; over 70% cases did not require mechanical ventilation.
Conclusions: Percutanous catheter abdominal decompression based on intravesical pressure is effective in management of IAH in in children with Dengue Shock Syndrome, improved status of respiratory, hemodynamic, renal function, acidosis and IAH severity.
Key words: Percutanous catheter abdominal decompression, IVP, IAH, Dengue Shock Syndrome
Đăng bởi: Phòng Chỉ Đạo Tuyến
Các tin khác
Điều trị bệnh Tay Chân Miệng biến chứng nặng 13/02/2014